Trong màn mưa sương mù mịt, một tiếng sấm vang trời nổ tung trên đỉnh đầu, theo sau là cơn mưa ào ào trút xuống. Hơn mười người đang đi trên con đường núi trơn trượt và dốc đứng, rừng rậm dưới ánh chớp hiện ra từng bóng ma quái dị.
Những người này đang khiêng một chiếc kiệu đỏ, ai nấy trên mặt đều mang vẻ sợ hãi, nhưng trong nỗi sợ vẫn cố nặn ra nụ cười vui mừng, gõ trống đánh chiêng hết sức náo nhiệt.
Chiếc kiệu lắc lư không ngừng, rung chuyển dữ dội.
Gió lạnh mang theo nước mưa hất tung rèm kiệu, lùa vào bên trong, đánh thức người đang nằm trong kiệu.
Chúc Nhiên tỉnh dậy từ giấc ngủ mê man, chiếc áo cưới đỏ mỏng manh không thể chống chọi nổi gió lạnh và mưa xối xả, không chỉ các ngón tay mà cả hai chân cô đều đã tê cứng.
Chân cô bị trói bằng dây thừng thô to, cổ tay mảnh khảnh cũng bị buộc bằng sợi dây đỏ nhỏ, với sức lực hiện giờ của cô, hoàn toàn không thể vùng vẫy thoát ra.
Nhưng cô cũng không định vùng vẫy, bởi cho dù có cởi được trói cô cũng không thể trốn thoát.
Bởi vì đôi mắt của Chúc Nhiên đã bị người anh ruột dùng kẹp sắt chọc mù từ khi còn nhỏ, không thể nhìn rõ, thậm chí không thể cảm nhận được ánh sáng.
Tựa lưng vào vách kiệu, cô gái trẻ có mái tóc dài khô xơ rối bù như một búi cỏ dại.
Cô phát triển muộn, mười tám tuổi nhưng vóc người và khung xương đều nhỏ bé hơn các cô gái cùng tuổi, suy dinh dưỡng, trông như một đứa trẻ con.
Làn da vàng vọt, hai má có tàn nhang, khuôn mặt nhỏ và gầy gò, dù vậy vẫn có thể thấy đường nét khuôn mặt cô rất tinh xảo.
Nhưng những vết sẹo trên đôi mắt đã hủy hoại vẻ đẹp ấy, mang theo khí chất âm u.
Đó là vết sẹo do anh trai cô dùng kẹp sắt để lại.
Trong làng, Chúc Nhiên luôn bị những vết sẹo trên mặt làm ảnh hưởng, không ai muốn lại gần cô. Rõ ràng cô chỉ bị mù nhưng mọi người lại cho rằng cô cũng bị điếc, họ nói xấu cô ngay trước mặt một cách độc ác.
Chúc Nhiên không biết mình trông như thế nào, từ nhỏ chỉ biết mình rất xấu xí.
Không ai thích cô. Ở ngôi làng cũ kỹ, lạc hậu và phong kiến này, những ai nhìn thấy cô đều sợ hãi, chán ghét cô.
Bố cô nói, với vẻ ngoài này, sau này sẽ không ai dám lấy cô. Nếu sau này cô không còn sức làm việc nhà thì sẽ bị ném xuống giếng để lấp giếng.
Anh trai ghét cô vì không thể mang lại sính lễ cho gia đình, ngày ngày lấy cớ đánh đập cô.
Khi Chúc Nhiên cảm thấy cuộc đời mình đã hết hy vọng, trưởng làng đến nhà cô, giới thiệu một mối hôn sự, nói là gả cho ông lớn sống trong rừng trên núi phía sau làng.
Bố cô sợ cô bỏ trốn, liền cho cô uống thuốc mê, thậm chí trói cả tay chân cô lại.
Thật ra, Chúc Nhiên là tự nguyện.
Dù lấy ai, chỉ cần không phải bị ném xuống giếng thì cô đều đồng ý.
Ít nhất, kẻ vô dụng và xấu xí như cô cũng có người chịu lấy, phải không?
Chúc Nhiên duỗi đầu ngón tay hơi tê dại, khẽ chạm vào chiếc áo cưới trên người. Trong làng, hầu như năm nào cũng có người kết hôn, tiếng trống chiêng rộn ràng vang khắp làng, cô ở nhà cũng có thể nghe thấy.
Rất vui vẻ, cũng rất náo nhiệt.
Nghe dì hàng xóm nói đời người phụ nữ chỉ được mặc áo cưới một lần, đó là thời khắc quan trọng nhất đời người, và áo cưới phải được thêu từng mũi từng chỉ, rất quý giá.
Cô cẩn thận vuốt ve lớp hoa văn thêu trên áo cưới.
Có lẽ đây là bộ đồ đẹp nhất cô từng mặc từ nhỏ đến lớn.
Chúc Nhiên rất thích.
Ngay cả nỗi sợ hãi đối với người chồng xa lạ, lúc này cũng vơi đi phần nào.
Cô âm thầm cầu nguyện trong lòng, hy vọng người chồng không giống như bố và anh trai, sẽ không đánh cô. Cô biết làm việc nhà, sẽ cố gắng không gây phiền phức, chỉ cầu mong người chồng là một người tử tế hơn một chút.
Cô biết suy nghĩ này rất hoang đường.
Bởi vì cô vừa xấu lại vừa mù, người chồng nhìn thấy cô chắc cũng sẽ ghét bỏ cô như mọi người trong làng.
Chiếc kiệu lắc quá mạnh, Chúc Nhiên cố gắng giữ thăng bằng để không đập đầu vào đâu.
Những giọt mưa lạnh rơi xuống khóe môi cô, cả ngày lẫn đêm không ăn không uống khiến cô không kìm được mà liếm môi, cố hút lấy chút nước, nhưng đối với cái cổ họng khô khốc của cô chỉ như muối bỏ biển.
Cô không biết mình đã ngủ bao lâu, chiếc kiệu vẫn đang leo núi, dường như còn phải đi một đoạn rất dài.
Trong làng, Chúc Nhiên chỉ nghe nói trên núi có một ông lớn không thể gọi tên, mỗi năm vào dịp lễ dân làng đều lên núi, mang theo gà vịt nuôi cả năm không nỡ giết, cùng lương thực quý giá, lên núi bái kiến ông lớn ấy.
Người làng bài xích người ngoài, nhưng lại đặc biệt tin tưởng ông lớn này.
Chúc Nhiên âm thầm nghĩ.
Ít nhất, cô sẽ không phải đói nữa, đúng không?
Cô có thêm chút hy vọng vào tương lai.
Khi cô đang nghĩ ngợi miên man thì tiếng trống chiêng đột nhiên dừng lại, chiếc kiệu lắc mạnh cũng rơi xuống đất. Khi cô lấy lại tinh thần, xung quanh đã hoàn toàn im lặng, chỉ còn tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái kiệu…
Chúc Nhiên chờ một lúc nhưng vẫn không nghe thấy động tĩnh gì khác.
Dường như những người khiêng kiệu đã rời đi, chỉ còn lại chiếc kiệu và cô.
Cô do dự vài giây, không nhịn được cất tiếng gọi ra ngoài:
“Có… có ai không?”
Giọng nói yếu ớt, run rẩy vì bất an.
Đáp lại cô là một khoảng lặng lạnh lẽo.
Tim Chúc Nhiên như bị ngâm trong nước lạnh, cảm giác lạnh giá như kim châm, nỗi hoảng loạn dâng trào, tay chân bị trói khiến cô không thể rời khỏi kiệu, chỉ có thể ngồi yên bên trong.
Có lẽ những lời bố và trưởng làng nói đều là để lừa gạt cô.
Nếu đây là một mối hôn sự tốt như vậy, tại sao lại phải làm cô ngất đi, còn trói tay chân cô?
Cô lẽ ra phải sớm nghĩ ra điều này.
Thứ đang chờ cô chỉ là cái chết.
Bị bỏ rơi trong khu rừng hoang vu tĩnh mịch này, nếu không bị thú dữ xé xác thì cũng sẽ chết đói.
Cô không muốn chết.
Dù đôi mắt bị anh trai chọc mù, bị cả làng ghét bỏ, bị bố và anh đánh đập nhưng Chúc Nhiên vẫn chưa bao giờ muốn chết.
Cô muốn sống, sống thật lâu.
Chúc Nhiên quyết định tự cứu lấy mình.
Sợi dây đỏ trói tay không quá chặt, chỉ cần đủ kiên nhẫn là có thể tháo được.
Chúc Nhiên gắng gượng tinh thần, kiên nhẫn tháo sợi dây đỏ trói cổ tay.
Ngay khoảnh khắc sợi dây được tháo ra, cô nhạy bén nghe thấy vài âm thanh rất nhỏ.
Xuyên qua tiếng mưa dày đặc, cô nghe thấy tiếng động ấy đang chậm rãi đến gần.
Trong lòng Chúc Nhiên vui mừng.
Cô nghe thấy rèm kiệu bị ai đó từ bên ngoài vén lên, cảm nhận được có thứ gì đó thò vào. Cô gần như theo bản năng đưa tay ra, nắm lấy tay người chồng, cảm giác ẩm ướt lạnh lẽo kia cũng không khiến cô buông tay.
“Chồng ơi…”
Chúc Nhiên nhớ dì hàng xóm gọi chồng mình như vậy.
Cô thực sự rất sợ, quên mất sự e dè, thật ra từ nhỏ đã không ai dạy cô phải e dè, cô nắm chặt cổ tay chồng, cúi đầu, cố gắng chịu đựng cảm giác khó chịu, giọng nói không kìm được mà mang theo tiếng nức nở.
“Cuối cùng anh cũng đến rồi… Em cứ tưởng… tưởng là…”
Lúc này, một giọng nói khàn khàn, có chút quái dị, như đang bắt chước người khác nói chuyện một cách vụng về vang lên bên tai cô.
“Em… tưởng là, gì?”
Nghe thấy giọng của chồng, tâm trạng căng thẳng và lo lắng của Chúc Nhiên cuối cùng cũng dịu đi phần nào. Cô cố gắng nhớ lại cách dì hàng xóm đối xử với chồng mình, giọng nói mềm mại pha chút tủi thân.
“Tưởng là anh không cần em nữa…”
Bình luận cho "Chương 39"
BÌNH LUẬN